Một số điểm đáng chú ý là:
- Cơ quan chức năng kêu gọi người nuôi không nên lạm dụng kháng sinh. Thậm chí có “lời khuyên” quyết liệt hơn là “Nói không với kháng sinh trong nuôi tôm!”. Không thể kêu gọi suông, chính quyền nên có giải pháp đồng bộ như kiểm soát chặt chẽ các đường biên mậu, ngăn chặn các nguồn kháng sinh nguyên liệu không minh bạch từ xa; kiểm tra chặt chẽ việc tiêu thụ kháng sinh nguyên liệu hợp pháp; quy định việc các cơ sở bán thuốc kháng sinh phải có toa bác sĩ. Tất cả những điều này không có gì mới mẻ, chỉ cần thực thi quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn.
- Người nuôi tôm nhỏ lẻ nên tự nguyện tham gia, hình thành các cơ sở sản xuất hợp tác để thuận lợi trong việc liên kết các cơ sở chế biến nhận thông tin về thị trường và có thể là sự đầu tư. Từ đó, bảo đảm sản xuất tôm sạch và có đầu ra chủ động.
- Các DN chế biến tôm phải coi trọng uy tín thương hiệu, đạo đức kinh doanh..., cương quyết không mua tôm có tạp chất, có dư lượng chất cấm; không mua tôm sơ chế từ các cơ sở thiếu an toàn... nhằm chung tay giữ vững và nâng tầm tôm ta trên thị trường quốc tế.
- Có nên có sự chế tài các DN chế biến ham rẻ, mua tôm không sạch tiêu thụ, bị cơ quan kiểm soát bên nhập khẩu phát hiện, cảnh báo.
- Hệ thống thương lái ngày càng lớn mạnh cũng nên từng bước thể hiện đúng vai trò của mình trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị con tôm. Ngoài sự kêu gọi phối hợp, hợp tác từ các cơ sở chế biến; ngành chức năng cũng không ngừng thường xuyên kiểm tra ngăn chặn hành vi vi phạm như bơm tạp chất vào tôm và kiểm tra các cơ sở sơ chế về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và tác động môi trường. Việc xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm cần có điều khoản cụ thể hơn, khắt khe trong Bộ Luật hình sự nhằm răn đe, ngăn chặn được chuyện này, giữ vững uy tín ngành tôm ta.
Hiện nay có những hệ thống phân phối hay các quốc gia đã bổ sung các qui định riêng. Khiến con tôm là sạch (được chấp nhận) ở thị trường này nhưng không sạch ở thị trường khác. Thậm chí trong một thị trường con tôm sạch trong hệ thống tiêu thụ này nhưng không sạch nếu cùng con tôm đó bán vào hệ thống phân phối kề bên. Dẫn chứng, EU qui định cấm sử dụng chất bảo quản chống oxy hóa ethoxiquine nhưng các nước nhập khẩu tôm khác không cấm. Có hệ thống mua hàng từ Hoa Kỳ không cho sử dụng hóa chất tạo sắc tố trong nuôi tôm. Cho nên khái niệm tôm sạch mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc bảo đảm tôm sạch tới từng khách hàng ngày thêm gian nan.
Tôm sạch, rộng hơn là thực phẩm sạch là mong muốn của tất cả mọi người. Người tiêu dùng các nước tiên tiến có điều kiện tiếp cận mọi mặt nên dường như đòi hỏi của họ “mạnh mẽ” hơn mình; được quan tâm chăm lo kỹ lưỡng hơn! Thật tình, bây giờ ngoài chợ, thậm chí trong siêu thị, nhiều loại thực phẩm cả rau, cá, thịt... tiêu thụ hàng ngày đâu được kiểm tra kỹ lưỡng là sạch hay không! Trong khi chờ đợi sự minh bạch hơn về nguồn thực phẩm đang tiêu thụ hàng ngày, chúng ta cũng không có nhiều sự lựa chọn, cũng phải chú ý chăm lo cho mình theo khả năng có được.
Con tôm, thực phẩm cao cấp, xuất khẩu là chủ yếu, phải lệ thuộc ý chí người tiêu dùng. Cho nên muốn gia tăng tiêu thụ chỉ con đường phải nỗ lực tạo ra tôm sạch. Không biết có mâu thuẫn không, khi phải lo cho người xa lạ chu đáo, chăm chút hơn cho dân mình. Không chỉ riêng con tôm sạch, tất cả thực phẩm xuất khẩu phải sạch, sạch đúng qui định của khách hàng.
Tóm lại, để bảo đảm tôm sạch, rất cần sự kiên quyết lập lại trật tự của cơ quan chức năng; rất cần sự tỉnh táo của nhiều thành viên trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị con tôm như người nuôi, cung ứng vật tư đầu vào, thương lái, cơ sở sơ chế, cơ sở chế biến xuất khẩu... Có sự ý thức, tự giác thống nhất như vậy mới bảo đảm ngành tôm ta phát triển ổn định và bền vững. Diễn biến thực tế cho thấy hòn đá tảng này khá cứng và không nhỏ!
TS.Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN