Virus gây hội chứng đốm trắng (white spot syndrome virus - WSSV) lây truyền qua nhiều con đường khác nhau, tuy nhiên, mầm bệnh từ vật chủ trung gian (cua, giun, tôm đất…) khiến dịch bệnh trở nên trầm trọng.
WSSV có khả năng sao chép, nhân lên trên nhiều ký chủ khác nhau, nhiều nhất phải kể đến tôm (65 loài), tiếp đến cua (57 loài) thông qua hình thức gây nhiễm và tự nhiên (Desrina et al., 2013; Hạnh và cs., 2016). Đối với cua, mặc dù nhiễm WSSV với tỷ lệ cao (60 - 90%) cả trong hình thức nhiễm tự nhiên cũng như thí nghiệm nhưng không gây ra biểu hiện bệnh lý khác thường nào và đặc biệt không gây chết cua (Ghosh, 2014; Rajendran et al, 1999), song đây được xác định là mối nguy tiềm ẩn gây bệnh lên tôm theo phương thức lan truyền bệnh theo chiều ngang (Kanchanaphum et al., 1998).
Vi tảo biển
Để chứng minh được khả năng vi tảo biển biển mang WSSV, 6 loài vi tảo biển (Isochrysis galbana, Skeletonema costatum, Chlorella sp., Heterosigma akashiwo, Scrippsiella trochoidea, Dunaliella salina) đã được nuôi cấy với tôm he Nhật Bản trưởng thành (Marsupenaeus japonicus). WSSV được khảo sát hàng ngày bằng phương pháp nested - PCR. Kết quả cho thấy rằng tất cả các vi tảo biển thực nghiệm có thể mang WSSV (ngoại trừ H.akashiwo), trong số đó, Chlorella sp. và S. trochoidea có khả năng mang WSSV mạnh nhất. Cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về các yếu tố khả năng mang khác nhau và các cơ chế mang virus của các loài vi tảo khác nhau.
Giun nhiều tơ
Theo kết quả của một nghiên cứu, các chuyên gia đã quan sát được có hơn 60% giun nhiều tơ tiếp xúc với WSSV được chứng minh là dương tính WSSV sau 7 ngày tiếp xúc. Người ta cũng xác nhận rằng tôm bố mẹ có thể bị nhiễm WSSV bởi thức ăn giun nhiều tơ mang mầm bệnh WSSV. Mặc dù nghiên cứu này chỉ cho thấy sự lây nhiễm ở mức độ thấp nhưng lại thấy được rõ ràng khả năng chuyển WSSV từ thức ăn sống sang tôm bố mẹ, giun nhiều tơ có thể đóng một vai trò trong dịch tễ học của WSSV.
Cáy đỏ
Mới đây, một nghiên cứu đã được thực hiện để xác định con đường lây lan của WSSV, kết quả đã phát hiện được vật chủ trung gian mới có khả năng truyền mầm bệnh, đó là loài cáy đỏ (Uca sp.). Cáy đỏ là loài giáp xác sống phổ biến ở bãi ven cửa sông. Trong thí nghiệm, tiến hành gây nhiễm với liều tiêm 0,1 ml dung dịch chứa WSSV ở độ pha loãng 10-2 lên gốc chân thứ 2 tính từ càng cáy, sau 107 giờ cáy đỏ đã mang mầm bệnh WSSV (sử dụng phương pháp PCR). Cùng với đó, người ta thấy được khả năng lây truyền WSSV cho tôm thẻ chân trắng của loài động vật này sau 83 giờ nuôi, môi trường nuôi ở điều kiện thí nghiệm nhiệt độ 27 - 290C, độ mặn khoảng 10 - 12‰.
Luân trùng
Trứng của luân trùng Brachionus urceus thu từ bùn đáy ao tôm đã được phát hiện có nhiễm WSSV (Yan et al., 2004). Vào năm 2011, Walker và cộng sự đã thực hiện thí nghiệm theo dõi quá trình lây nhiễm WSSV trong các ao nuôi tôm quảng canh ở Ấn độ. Thí nghiệm đã cho thấy quá trình lây nhiễm diễn ra trong các ao tôm nuôi quảng canh như sau: đầu tiên WSSV nhiễm trong tôm tự nhiên, kế tiếp được phát hiện nhiễm trong nhóm cua và theo đó là nhóm sinh vật phù du; Sinh vật phù du được xác định có nhiễm WSSV trong tất cả các ao dùng trong nghiên cứu. Con đường lây nhiễm WSSV từ thủy sinh vật - luân trùng - Artemia và cuối cùng là tôm đã được xác định qua thực nghiệm của Jiang (2012).
Thái Thuận
Nguồn tin: Con Tôm